Bài giải gợi ý PHẦN I
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 :
Câu 1. Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2. Cuộc sống gian khổ và hiểm nguy trên đảo của người lính được miêu tả qua những từ ngữ “trần trụi, gian nan, hoang lạnh” và những hình ảnh “ngã trước miệng cá mập, vùi dưới cơn bão dữ tợn”
Câu 3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ : so sánh; hiệu quả nghệ thuật : lời thơ sinh động, tạo hình, biểu cảm; tạo ấn tượng sâu đậm về vẻ đẹp của biển đảo, của quê hương.
Câu 4. Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được tình cảm đối với những người lính đảo : đồng cảm, mến phục, tự hào.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:
Câu 5. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích : phương thức nghị luận.
Câu 6. Theo tác giả nguồn gốc sâu xa của nạn bạo lực xuất hiện gần đây xuất phát từ hội chứng vô cảm dẫn đến hậu quả là sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn.
Câu 7. Thái độ của tác giả khi bàn về hiểm họa vô cảm của xã hội hiện nay: tác giả đã có cách đánh giá nghiêm túc, khoa học; tìm ra nguyên nhân, hậu quả, nêu dẫn chứng cụ thể. Qua đó, ta có thể thấy tác giả rất lo lắng, bức xúc về hiểm họa vô cảm.
Câu 8. Học sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được các ý sau:
- “Lo túi tiền rỗng” là lo sự nghèo nàn về vật chất.
- “Lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần” là lo sự nghèo nàn về tâm hồn, tinh thần.
- Lo nghèo nàn về vật chất mà không lo sự nghèo nàn về tâm hồn, tinh thần sẽ dẫn đến “hội chứng vô cảm”. Đây là một hiểm họa sâu xa đối với xã hội.
Phần II:
Câu 1 (3,0 điểm) Có ý kiến cho rằng : Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.
Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thể hiện bố cục hoàn chỉnh của một bài văn nghị luận (có đủ mở bài, thân bài, kết bài; thân bài phải bao gồm nhiều đoạn văn), cách hành văn, chính xác và sinh động. Đồng thời phải đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu về luận đề và nội dung.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.
Yêu cầu cụ thể
1. Giải thích ý kiến
Thí sinh cần giải thích thế nào là kỹ năng sống và việc tích lũy kiến thức. Kỹ năng sống là những kỹ năng cần thiết giúp con người sống và sống hội nhập được với xã hội. Chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng sinh tồn và vượt thoát trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng học tập có phương pháp, kỹ năng giải quyết khó khăn, kỹ năng đối phó với nguy hiểm, kỹ năng hòa hợp với thiên nhiên,... Từ đó xác định ý kiến được nêu trong đề có nội dung khẳng định vai trò quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống: cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức.
2. Bàn luận
Thí sinh có thể mở rộng sự bàn luận ra các hướng khác nhau; dưới đây là những ý tham khảo (không nhất thiết thí sinh phải làm giống những ý này):
- Để có thể hòa hợp với đời sống xã hội, con người cần phải tích lũy một số kiến thức căn bản từ gia đình, nhà trường, xã hội, sách vở, báo chí,...
- Có nhiều người bị vấp ngã một cách đau đớn vì thiếu kỹ năng sống. Đôi khi thiếu vài kỹ năng sống nào đó mà con người phải trả một giá khá đắt (ví dụ minh họa).
- Thiếu kỹ năng sống, người ta có thể hành động một cách sai trái, dại dột. Từ đó trở thành mối nguy hiểm cho xã hội (ví dụ minh họa: thiếu kỹ năng giải quyết những va chạm tình cờ gặp phải trong cuộc sống, chỉ từ một sự va chạm nhỏ trong giao thông, người ta có thể trở thành một kẻ sát nhân) .
- Có kỹ năng sống tốt, phù hợp với hoàn cảnh xã hội, người ta dễ đạt được sự thăng tiến. Có nhiều người kiến thức và học vị không cao nhưng có kỹ năng sống tốt đã đạt được nhiều thành công lớn trong cuộc sống (ví dụ minh họa)
- Cuộc sống phát triển, khoa học công nghệ ngày càng đổi mới. Nó đòi hỏi người làm việc phải có những cái kỹ năng mới như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng hội nhập với cộng đồng quốc tế, kỹ năng ứng xử với những mặt trái của mạng xã hội,... Ví dụ trường hợp một nữ sinh đã tự tử vì không biết cách ứng phó với hành vi xấu xúc phạm đến đời tư từ mạng xã hội.
- Khẳng định tính đúng đắn của luận đề: rèn luyện kỹ năng sống là một việc cần thiết không kém với việc tích lũy kiến thức, đặc biệt đối với lứa tuổi học sinh.
3. Bài học nhận thức và hành động
Từ những suy nghĩ và liên hệ của mình, thí sinh có thể rút ra những bài học khác nhau; dưới đây là những ý tham khảo:
- Kỹ năng sống không phải tự dưng mà có, nó đòi hỏi xã hội và bản thân phải có ý thức sâu sắc về sự quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống. Từ trong gia đình, ông bà cha mẹ, anh chị, ngay từ đầu phải có ý thức giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho con em của mình. Nhà trường nên đưa kỹ năng sống vào giờ học chính khóa và xem đó là một trong những mục tiêu giáo dục quan trọng, bên cạnh việc giáo dục kiến thức. Các tổ chức xã hội cũng nên cũng tạo điều kiện để mọi công dân được rèn luyện kỹ năng sống. Các cấp chính quyền cần xây dựng môi trường sống lành mạnh để góp phần tạo lập nếp sống phù hợp với chuẩn mực pháp luật và đạo đức nêu tấm gương tốt cho những người trẻ phấn đấu và hành xử.
- Bản thân từng người, nhất là học sinh, sinh viên cần phải thấy sự cần thiết và ích lợi của việc rèn luyện kỹ năng sống để từ đó bên cạnh việc trao dồi kiến thức có ý thức và nỗ lực rèn luyện kỹ năng sống.
- Nếu bên cạnh kiến thức tốt, tất cả mọi người đều có kỹ năng sống tốt thì đời sống xã hội sẽ trở nên tốt đẹp và đáng sống hơn.
Câu 2 (4 điểm)
* Yêu cầu chung : Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản; bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết phải có cảm xúc thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể :
1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết luận. Phần mở bài phải biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần thân bài phải biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết luận phải khái quát được vấn đề và thể hiện ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của người viết.
2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong đoạn trích và bình luận về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
3) Biết chia các vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp và triển khai các luận điểm ấy theo một trình tự hợp lý, có sự liên kết chặt chẽ; biết sử dụng tốt các theo tác lập luận trong đó có các thao tác như: phân tích, bình luận; biết kết hợp giữa nêu lý lẽ và dẫn chứng.
* Những gợi ý cụ thể :
1) Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và nhân vật người đàn bà hàng chài.
2) Cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong đoạn trích.
a) Hoàn cảnh và số phận của người đàn bà hàng chài:
- Thuyền nhỏ, đông con dẫn đến cuộc sống đói nghèo.
- Không thể lên bờ vì làm nghề thuyền lưới vó
- Thường xuyên bị chồng đánh.
b) Vẻ đẹp của một người vợ:
- Hiểu chồng và nỗi khổ của chồng
- Hiểu được vai trò của một người chồng trong gia đình và trong cuộc sống của người làm nghề chài lưới.
c) Vẻ đẹp của một người mẹ:
- Thương con vô bờ bến
- Sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình cho các con
3) Bình luận về cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu:
a) Qua hình tượng nhân vật người đàn bà hàng chài tác giả Nguyễn Minh Châu thể hiện cái nhìn cảm thông trước số phận đau đớn của người phụ nữ và bao ngang trái trong một gia đình hàng chài, từ đó thấu hiểu: mỗi người trong cõi đời nhất là người nghệ sĩ không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống của con người.
b) Qua tác phẩm và nhân vật người đàn bà hàng chài tác giả đã mang đến bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống của con người: một cái nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện bản chất thực sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
c) Qua tác phẩm Nguyễn Minh Châu gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo hành gia đình là hậu quả do cái đói.
Nguyễn Thị Hoàng Mai (THPT Năng khiếu ĐH Quốc Gia)
Lý Tú Anh, Phan Thị Thanh (THPT Vĩnh Viễn)