Change background image
Trường THCS Bàu Năng
Thành viên không được đăng quảng cáo trên diễn đàn. Những bài viết mang tính chất quảng cáo thuần túy hoặc chèn link quảng cáo có thể bị sửa nội dung, chuyển vào thùng rác hoặc xóa mà không cần báo trước. Thành viên vi phạm quá 03 lần sẽ bị chuyển vào nhóm "Spammer".

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Hai lúa
Hai lúa Thành viên năng nổ
Bài viết : 93
Danh vọng : 25
Tham gia : 15/12/2011
Những thay đổi toàn diện hiện nay trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và quá trình toàn cầu hóa đã có những tác động nhiều mặt đến giáo dục. Nền giáo dục mới phải là một nền giáo dục cho mọi người, giúp mọi người được học, được bồi dưỡng các năng lực trí tuệ, được cung cấp và có khả năng tìm kiếm những tri thức cần thiết cho cuộc sống và hoạt động của mình.

Ngày nay quyền được học, quyền được chia sẻ thông tin và tri thức thực sự trở thành đặc điểm cơ bản nhất của sự bình đẳng trong xã hội. ... Trong các giai đoạn lịch sử trước đây, người học là những người trẻ tuổi đến trường, sử dụng một khoảng thời gian nhất định cho việc học, thi cử và tốt nghiệp, rồi tiếp đó là một giai đoạn đi làm, làm theo những gì đã học, nhưng trong môi trường của nền kinh tế tri thức, phần lớn các việc làm đều đòi hỏi tri thức mới, nên việc học phải là học liên tục, học suốt đời, và con người luôn luôn có những điều mới cần phải học và phải nghĩ đến. Do đó, mối quan hệ giữa thầy và trò hay giữa người học và người dạy cũng có những thay đổi, đặc trưng riêng trong nhà trường hiện đại.

Mối quan hệ Thầy-Trò trong nhà trường phổ thông hiện đại 1327327209.nv

1. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỐ THÔNG HIỆN NAY

Một trong các mục tiêu của chúng ta là giúp HS trở thành những công dân toàn cầu thực sự. Học sinh ngày nay của chúng ta đã và đang đắm chìm trong văn hóa phương tiện công nghệ hiện đại của thế kỉ 21. Chúng là những người học kĩ thuật số - chúng nắm bắt, học hỏi, giao lưu với thế giới thông qua phương tiện công nghệ. Công nghệ không dừng lại ở chính nó mà công nghệ chính là những công cụ mà học sinh sử dụng để sáng tạo ra kiến thức và tạo ra sự thay đổi cho bản thân và xã hội. Tuy nhiên, như TS. Michael Wesch (Mỹ) đã chỉ ra rằng, mặc dù học sinh ngày nay hiểu rõ làm thế nào để tiếp cận và sử dụng các phương tiện công nghệ, nhưng nhiều em lại chỉ sử dụng vì mục đích giải trí và học sinh thực sự chưa là những người có học thức- biết về các phương tiện công nghệ.

Chính vì vậy, ngày nay, chúng ta cần phải nhìn người học trong ngữ cảnh mới:

- Thứ nhất, chúng ta cần phải duy trì niềm say mê ở người học bằng cách giúp các em nhìn thấy những gì mà các em học sẽ rất có ích trong việc chuẩn bị cho chúng bước vào cuộc sống trong thế giới thực.

- Thứ hai, chúng ta cần làm cho người học thấm nhuần tính tò mò, sự ham hiểu biết - nền tảng của học suốt đời.

- Thứ ba, chúng ta cần phải linh hoạt trong cách dạy.

- Thứ tư, chúng ta cần kích thích người học trở thành những người tháo vát, có tài xoay sở để chúng sẽ tiếp tục việc học ở ngoài nhà trường, ngoài giờ học chính khóa.

Do đó, người học phải ở vị trí trung tâm của nhà trường, của quá trình dạy học - giáo dục. Chúng phải là những người tham gia tích cực vào quá trình nhận biết - học - dạy. Việc dạy học chỉ thuần túy là sự truyền đạt khối lượng tri thức nhất định, quá nhấn mạnh đến việc nhớ chính xác các sự kiện đã không mang lại kết quả gì và làm cho HS trở thành những người học vẹt thụ động. Hoạt động học - dạy tích cực và có sự tham gia của người học thể hiện ở năng lực suy nghĩ và hành động độc lập, sáng tạo được nâng lên. Phát triển óc tò mò, thái độ hoài nghi khoa học, ý chí, khả năng chọn lựa hành động và cam kết thực hiện là những yếu tố quan trọng của quá trình dạy học - giáo dục có sự tham gia của người học. Giới thiệu các công nghệ mới là việc tương đối dễ dàng (và tất nhiên là quan trọng) còn việc đem lại khả năng biết đọc, biết viết thậm chí còn dễ hơn. Đem lại những thay đổi trong thái độ và thói quen suy nghĩ khó hơn nhiều, thậm chí quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ để đem lại những cái đó cần thu hẹp khoảng cách thái độ giữa người dạy và người học.

Nguyên lí cốt lõi chi phối các phương pháp và các mô hình dạy học là những HS khác nhau học các bình diện tri thức khác nhau theo những cách thức khác nhau. Bằng cách nào "cá nhân hóa" qúa trình nhận biết - quá trình học để cho tiềm năng của mỗi cá nhân được phát triển đầy đủ chính là cốt lõi của thách thức giáo dục. Mỗi con người có những vấn đề cuộc sống riêng, những khả năng phát triển riêng, cần phải từ chối việc mô hình hoá hình ảnh lí tưởng về một HS ra trường, mà phải làm việc với những HS cụ thể, tác động đến nhận thức của từng em, định hướng không phải đến những chuẩn mực giáo dục bên ngoài có sẵn, mà đến những khả năng tiềm ẩn bên trong của sự tự phát triển, tự tổ chức, tự xác định và sự trưởng thành cá nhân, hình thành mẫu hình nhân cách cho mỗi HS, phát triển tiềm năng sáng tạo thực của mỗi em. Khi tiến hành quá trình giáo dục HS cần tính đến những đặc trưng cá nhân của chúng (khí chất và tính cách, khả năng và khuynh hướng, động cơ và sở thích...). Coi trọng sự tác động sư phạm mang tính cá nhân của GV đến việc học tập của người học và sự hợp tác với HS trong qúa trình giáo dục, nhưng không được hạ thấp vai trò của sự chuẩn hoá giáo dục như là một cách thức tạo ra một môi trường giáo dục thống nhất nhưng cần có sự điều chỉnh chuẩn có tính đến các tố chất và khả năng của các nhóm HS nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà Macarencô viết: "Tôi nhìn thấy trong công tác giáo dục của mình là cần phải có một chương trình chung - "chuẩn" và 5 sự điều chỉnh mang tính cá nhân đối với nó".

Cách tiếp cận "cá nhân hóa" trong dạy học - giáo dục chỉ thành công khi vai trò chủ thể của HS được phát huy đầy đủ nhất. Trường học hiện đại phải thực sự quay về với HS, thể hiện hơn nữa sự tin tưởng đối với HS, tin tưởng vào việc HS tham gia giải quyết các vấn đề của nhà trường. Trẻ em đóng vai trò khách hàng của dịch vụ giáo dục nhưng người lớn đa phần có thể chưa biết rõ các em muốn gì và các ưu tiên của chúng là gì. HS cần phải trở thành người tham gia tích cực vào quá trình giáo dục, có khả năng tạo ra những ảnh hưởng lớn, xây dựng lại chúng cho phù hợp với những nhu cầu của mình, với những sở thích tự phát triển. Không được coi HS là phương tiện đạt được mục tiêu của quốc gia và xã hội, tự bản thân chúng là có giá trị mà ngay từ đầu chúng là chủ thể của quá trình giáo dục.

2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DẠY TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

"Giáo viên" - từ vai trò chính, là trung tâm chú ý và là người cung cấp thông tin sang vai trò là người nhạc trưởng hướng dẫn quá trình học và giúp HS chuyển các thông tin thành kiến thức và kiến thức thành sự hiểu biết.

Thế kỉ 21 đòi hỏi sự sản sinh ra kiến thức chứ không chỉ truyền đạt thông tin và nhà trường cần tạo ra "văn hóa điều tra, khám phá".

Trong một nền giáo dục mới, người học không chỉ đòi hỏi biết thêm nhiều tri thức, mà chủ yếu mong có thêm nhiều năng lực tìm kiếm tri thức và tạo tri thức, vì vậy, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ có giảm đi, nhưng người thầy sẽ phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học. Để ứng dụng có hiệu quả và chất lượng các công nghệ thông tin trong dạy học, hỗ trợ cho tự học, học từ xa... thì nhất thiết không thể thiếu vai trò của người thầy trong việc tham gia phát triển các phần mềm dạy học thông minh, soạn các bài giảng, các phương án hỏi đáp, các mẩu đối thoại linh hoạt phục vụ cho người học tự học. Mặt khác, trong điều kiện của xã hội tri thức, khi mà khối lượng tăng lên nhanh chóng, những tri thức mà người học sẽ cần đến và sử dụng cho cuộc sống của mình trong tương lai có thể là những tri thức mà hiện tại người thầy chưa có, thì cái quý giá mà mỗi người thầy có thể truyền đạt lại cho học trò của mình là các phương pháp suy nghĩ, độc lập tìm kiếm và phát hiện tri thức, chứ không nhất thiết là những tri thức và kĩ năng cụ thể của mình. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho thế hệ trẻ hiện nay thích nghi được với xã hội hiện đại, "xã hội học tập" thì giáo dục phải hướng người học vào việc học cách học như thế nào, cách giải quyết các bài toán như thế nào, và như thế nào để kết hợp được những hiểu biết mới với những tri thức đã có.

Do đó, GV không phải là người chuyên về một ngành hẹp mà là người cán bộ trí thức, là nhà giáo dục và là người học suốt đời. Trong quá trình dạy học, người dạy và người học là những người bạn cùng làm việc, cùng nhau tìm hiểu và khám phá. Mối quan hệ qua lại giữa GV và HS ở đây là mối quan hệ bình đẳng, và hoạt động của họ được xây dựng trên cơ sở hợp tác. Sự bình đẳng mang ý nghĩa đạo đức như là sự định hướng nhân văn của nhà giáo dục, trong đó thể hiện sự đối xử tôn trọng đối với nhân cách đứa trẻ, sự tin tưởng vào sức lực của chúng, sự lạc quan của nhà giáo dục, tất cả điều này thúc đẩy sự hình thành sự tự đánh giá tích cực, niềm tin của HS vào chính mình, vào khả năng của mình. GV trong quá trình dạy học và giáo dục có tính đến nhu cầu và sở thích của HS, xu hướng tự nhiên của chúng khám phá và khẳng định bản thân, xu hướng tự thực hiện.

3. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA QUAN HỆ GIỮA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

a) Mối quan hệ của giáo viên với học sinh

Từ sự phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi căn bản về vai trò, vị trí của người dạy và người học trong nhà trường hiện đại theo hướng đặt trọng tâm chú ý vào người học. Mối quan hệ giữa người dạy và người học trở lên bình đẳng hơn. Người học trở thành chủ thể tích cực của quá trình học tập. Để thực sự phát huy vai trò chủ thể của người học, GV cần có những thay đổi cơ bản trong quan hệ với HS. M. Balson chuyên nghiên cứu về hành vi của những HS “khó bảo” đã cho rằng: “Sẽ không có gì đạt được hiệu quả nếu GV không thay đổi quan hệ với HS” [1, tr.186]. Chính vì vậy, trong xu thế GD hiện nay, mối quan hệ giữa GV và HS có những biểu hiện cơ bản sau:

- Có quan hệ liên nhân cách sâu sắc, quan tâm và hiểu biết từng học sinh, thương yêu, bao dung, độ lượng với học sinh. Chủ động lôi cuốn sự tham gia của các em vào các công việc có liên quan của trường, lớp.

- GV phải tôn trọng, hợp tác, dân chủ trong quan hệ với học sinh, thừa nhận giá trị của mỗi em như là một nhân cách đang hình thành và phát triển, biết bảo vệ danh dự và quyền lợi của HS; Tôn trọng cá tính và bí mật riêng tư của HS, không có lời nói hay hành vi làm xúc phạm đến HS.

- Giúp HS phát triển cá tính, giải phóng và phát huy mọi khả năng, sức mạnh tiềm tàng của mỗi em thông qua việc khích lệ và tạo điều kiện để HS phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập và các công việc khác.

- Biết, quan tâm và tạo điều kiện để các em phát triển như là một chủ thể có đầy đủ giá trị và sáng tạo, để từng HS phát huy điểm mạnh, phát triển năng khiếu, sở thích của mình; Hiểu biết thế giới tinh thần của các em, biết chia sẻ và động viên các em đúng lúc. Tạo dựng được bầu không khí tâm lí - đạo đức thuận lợi với những xúc cảm tích cực trong sự thống nhất tinh thần giữa GV và HS với nhau.

- Đối xử công bằng, không phân biệt, không trù dập, không thành kiến với HS

- Gương mẫu, có trách nhiệm và giữ chữ tín với học sinh

b) Mối quan hệ của HS với giáo viên

Dân chủ, bình đẳng trong quan hệ giữa người dạy và người học không có nghĩa là cào bằng, ngang bằng. Với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta từ xưa đến nay: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", HS trong quan hệ với GV phải thể hiện sự tôn trọng, lễ phép, lịch sự, sự biết ơn.. Tôn sư trọng đạo có thể coi là chuẩn mực chủ đạo, giá trị nền tảng, cơ bản và là xuất phát điểm của những chuẩn mực, cách ứng xử khác của người học đối với thầy cô giáo. Cụ thể như sau:

– Kính trọng, yêu quý, biết ơn đối với thầy cô giáo: Đây là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất mà người học dành cho các thầy cô giáo. Tuy nhiên, những tình cảm này phải xuất phát từ chính trái tim của người học và nó phải trở thành những chuẩn mực, thói quen trong ứng xử hằng ngày. Trong thời đại ngày nay, khi mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh mang tính dân chủ, bình đẳng, học sinh không còn thụ động nghe theo những chỉ bảo của thầy cô nữa. Tuy nhiên, dân chủ, bình đẳng không có nghĩa là "cá mè một lứa". Người học phải hiểu được công lao dạy dỗ to lớn mà mỗi thầy cô mang đến cho các em. Sự kính trọng, yêu quý và biết ơn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong mối quan hệ giao tiếp, trong ứng xử hằng ngày và nhất là trong học tập.

– Tích cực, tự giác, chủ động, có trách nhiệm trong việc thực hiện các yêu cầu, các nhiệm vụ học tập. Tình thương yêu và sự kính trọng, biết ơn của học sinh đối với thầy cô giáo được thể hiện trước tiên ở việc người học tự giác và có trách nhiệm với việc học tập và tu dưỡng đạo đức của mình, thực hiện tốt các yêu cầu mà GV nêu ra. Không có gì đến đáp công ơn của thầy cô tốt hơn là kết quả cao trong học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh. Đây sẽ là sự thể hiện lòng biết ơn tốt nhất mà người học dành cho thầy cô giáo dạy dỗ mình.

– Lịch sự, lễ phép trong giao tiếp, ứng xử với thầy cô: đây là cách thể hiện sự kính trọng và có văn hóa của người học đối với thầy cô giáo. Sự lễ phép, lịch sự thể hiện ở lời ăn, tiếng nói, cử chỉ... trong giao tiếp, xưng hô với thầy cô giáo, với các cán bộ nhân viên khác trong trường. Đó là nét đẹp văn hóa hữu hình mà bất cứ ai đến trường cũng sẽ dễ cảm nhận thấy và luôn để lại ấn tượng quan trọng về lần gặp đầu tiên và nó thể hiện các hành động mang tính văn hóa của người học.

– Quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ thầy cô giáo: Điều này đòi hỏi không chỉ trong quan hệ giữa HS với nhau hay của GV dành cho HS mà kể cả HS dành cho GV. Là con người ai cũng cần sự quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ. Đó có thể là sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất, nhưng cũng có thể chỉ là sự động viên, quan tâm về mặt tinh thần. Sự quan tâm, chia sẻ của HS dành cho GV có thể chỉ là sự thấu hiểu cho những tình huống mà GV gặp phải, sự chia sẻ với những vướng mắc của lớp mà thầy cô chưa giải quyết được, sự thăm hỏi bằng những lời chúc sức khỏe khi thầy cô ốm đau....Trong thời đại ngày nay, khi mà lối sống ích kỉ, vô cảm, thờ ơ đang có chiều hướng gia tăng thì những phẩm chất này lại càng trở nên quan trọng cần có ở mỗi HS của chúng ta.

Nói tóm lại, với sự phát triển của khoa học - kĩ thuật, công nghệ thông tin và toàn cầu hóa ở thế kỉ 21, vai trò của người học và người dạy đã có những thay đổi cơ bản chuyển từ vai trò thụ động của người học, vai trò quyền uy của người dạy sang vai trò tích cực, bình đẳng, hợp tác, từ chỗ GV là trung tâm sang người học là trung tâm. Sự thay đổi này đòi hỏi phải có những thay đổi trong mối quan hệ Thầy - Trò theo hướng phát huy vai trò chủ thể, tích cực của người học.

Tài liệu tham khảo

1. Balson M. (1988), Understanding classroom behaviour, ACER, Australia.

2. Bôikhơ, A.N (1991), Các mối quan hệ cần được giáo dục, NXB Sư phạm, Matxcơva (Tiếng Nga)

3. Nguyễn Thị Kim Dung (2003) - Cá tính và một số định hướng giáo dục nhằm phát triển cá tính của học sinh trong nhà trường phổ thông, Tạp chí Giáo dục, số 60, tr.10 - 12.

4. Viên Chấn Quốc (2001) - Luận bàn về cải cách giáo dục, Bùi Minh Hiền dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội 2001.

5. Raja Roy Singh - Nền GD cho thế kỉ 21: những triển vọng của châu Á - Thái Bình Dương - UNESCO- Băng Cốc, 1991, Viện KHGD, 1996.

6. Trần Trọng Thủy (1994), Quan hệ thầy trò - một nhân tố giáo dục quan trọng, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục 11, tr 2-3

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết