Change background image
Trường THCS Bàu Năng
Thành viên không được đăng quảng cáo trên diễn đàn. Những bài viết mang tính chất quảng cáo thuần túy hoặc chèn link quảng cáo có thể bị sửa nội dung, chuyển vào thùng rác hoặc xóa mà không cần báo trước. Thành viên vi phạm quá 03 lần sẽ bị chuyển vào nhóm "Spammer".

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

coffee
coffee Thành viên ưu tú
Bài viết : 540
Danh vọng : 34
Tham gia : 04/12/2011
Trên thực tế, vấn đề khó cải thiện nhất của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân vẫn là đội ngũ giáo viên.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Hoc-t-a
Nghe, nói tiếng Anh vẫn là những kỹ năng yếu nhất của cả giáo viên và học sinh

Mới chuẩn ở... bằng cấp

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6.2012, nếu áp theo khung tham chiếu châu Âu, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2, 2.785 GV đạt B1. Con số này quá ít ỏi so với tỷ lệ 60,17% GV tiếng Anh hiện nay có trình độ ĐH và sau ĐH trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 - Bộ GD-ĐT, nhận định khiếm khuyết của GV thể hiện trên tất cả các mặt nghe, nói, đọc và viết. Chính vì thế, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh của đề án phải tập trung phát triển cả 4 kỹ năng này cho GV. Tình trạng GV không đạt chuẩn xảy ra ở tất cả các địa bàn trong cả nước. “Hiện tượng GV giỏi chỉ tập trung ở một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có thật”, ông Hùng nói.

“Ngại” nói tiếng Anh với người nước ngoài

Cách đây hơn một năm, học sinh lớp 7 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Q.3, TP.HCM) phản ánh với Ban giám hiệu việc GV tiếng Anh của lớp phát âm sai, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Thậm chí, khi nói chuyện với người nước ngoài, GV này cũng không nghe được và học sinh phải dịch, chuyển ý cho câu chuyện của thầy cô mình.

Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Bình - Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Các GV thử việc tại trường đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí có GV tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng khi có khách nước ngoài, GV nào cũng ngại, không dám giao tiếp. Đến khi trường nhờ một cô giáo được đánh giá là giỏi nhất tiếp đoàn và làm phiên dịch thì cô này cũng rất khổ sở”.

Nhận định về chất lượng GV tiếng Anh hiện nay, nguyên Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM, nhớ lại: “Mỗi năm, khi tuyển GV tiếng Anh, Phòng đều có phỏng vấn và thường xuyên tiếp nhận những ý kiến phản hồi của phụ huynh về chất lượng giảng dạy. Qua nhiều năm, cho thấy đa phần GV tiếng Anh mắc lỗi về phát âm”.

Chất lượng GV tiếng Anh ở Hà Nội cũng bộc lộ nhiều hạn chế ở kỹ năng nghe, nói và phát âm. Kết quả khảo sát của UBND TP.Hà Nội vào đầu năm nay cho thấy chỉ có khoảng 40% GV ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu, phải phiên dịch sang tiếng Việt.

Vừa thiếu vừa yếu

Tỉnh Hà Nam, một trong những địa phương tham gia triển khai đề án ngay từ giai đoạn đầu cũng trong tình trạng GV vừa thiếu vừa yếu. Hiện toàn tỉnh có 655 GV tiếng Anh ở cả 3 cấp học. Nếu xét về bằng cấp, tất cả đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, trong đợt khảo sát năng lực GV tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tiến hành, toàn tỉnh chỉ có 12/648 GV tham gia khảo sát đạt yêu cầu. Đáng quan tâm hơn, ở bậc THPT có 100% GV đều được đào tạo trình độ ĐH chính quy lại không hề có người nào đạt chuẩn. Tỷ lệ GV dưới chuẩn hai bậc trở xuống ở THCS xấp xỉ 40%, tiểu học và THPT trên 55%. Trong đó, nghe là kỹ năng yếu nhất, đọc cũng chỉ đạt mức trung bình.

Để đánh giá được trình độ của GV, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức khảo sát bài thi gồm kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm theo chuẩn của Nhà xuất bản Oxford. Thi vấn đáp trực tiếp với GV bản ngữ về kỹ năng nói. Có khoảng 1.756 GV tiếng Anh các cấp tham gia khảo sát. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở, cho biết: “Kết quả cụ thể chúng tôi không thể công bố vì ảnh hưởng đến uy tín của GV, nhưng có thể nói rằng khoảng 700 GV tiểu học (trong 756 GV tham gia - PV) phải đào tạo lại”. Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có 5% GV của 2 bậc học còn lại đạt chuẩn. Chẳng hạn H.Nhà Bè chỉ có 1/20 GV khảo sát đạt chuẩn. Gần 100 GV tiểu học và THCS của Q.5 tham gia khảo sát không đạt chuẩn. Toàn Q.4 chỉ có 3 GV đạt chuẩn, Q.10 có 10 người…

Ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng có nhiều lý do khiến GV không đạt chuẩn trong các cuộc rà soát trình độ vừa qua, trong đó có các lý do chính: Môn tiếng Anh tiểu học trước đây là tự chọn, nơi nào có điều kiện thì tổ chức nên việc tuyển chọn GV chưa được bài bản. Đại đa số GV này học các hệ không chính quy tại các cơ sở tiếng Anh chất lượng chưa bảo đảm. Trước đây, GV dạy tiếng Anh chỉ chú trọng chuẩn bị cho học sinh thi ngữ pháp, từ vựng và dịch nên lâu dần kỹ năng giao tiếp của thầy cô cũng bị mai một. Một số trường sư phạm chưa bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh.

Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu

A0 - A1: Có thể hiểu được những chỉ dẫn đơn giản hoặc tham gia vào những trao đổi ngắn về các chủ đề có thể đoán được.

A2: Có thể diễn đạt đơn giản các quan điểm hoặc những yêu cầu trong tình huống quen thuộc; Hiểu được những thông tin đơn giản trên sản phẩm, biển báo, sách giáo khoa hoặc những loại báo cáo về các chủ đề quen thuộc; Điền các mẫu đơn và viết các bức thư ngắn hoặc bưu thiếp liên quan đến thông tin cá nhân.

B1: Có thể diễn đạt hạn chế quan điểm trong những vấn đề văn hóa, trừu tượng hoặc đưa ra lời khuyên trong những vấn đề quen thuộc, hiểu được những thông báo, chỉ dẫn cộng đồng; Đọc hiểu các bài báo, thông tin hằng ngày, hiểu được ý chính của các văn bản trong lĩnh vực quen thuộc; Viết thư hoặc ghi chú ý chính những vấn đề quen thuộc hoặc những chủ đề có thể đoán trước.

B2: Có thể hiểu, trình bày về một chủ đề quen thuộc hoặc giao tiếp ở khá nhiều lĩnh vực khác nhau; Tìm kiếm những thông tin trong văn bản, hiểu được những chỉ dẫn và các lời khuyên chi tiết; Ghi chú những ý chính khi người khác đang phát biểu hoặc viết thư yêu cầu về những chủ đề thông thường.

C1: Có thể đóng góp hiệu quả vào các cuộc họp hoặc hội thảo hoặc thực hiện những cuộc hội thoại trong giao tiếp hằng ngày tương đối lưu loát, hiểu được những thành ngữ trừu tượng; Đọc nhanh để theo học các khóa học thuật, đọc và hiểu được các bài báo, thư từ thông thường; Soạn thảo thư từ chuyên nghiệp, ghi chép khá chính xác trong các cuộc họp hoặc viết bài luận văn...


B.Thanh (ghi)

Nguồn Báo Thanh niên

2Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Empty Chỉnh hay loại? Tue Sep 11, 2012 7:34 am

coffee
coffee Thành viên ưu tú
Bài viết : 540
Danh vọng : 34
Tham gia : 04/12/2011
Trước thực trạng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chất lượng còn quá thấp, các tỉnh thành lại tính đến phương án giải quyết khác nhau.

Bố trí công việc khác

Theo ghi nhận của phóng viên, một bộ phận không nhỏ giáo viên (GV) bị sốc khi các tỉnh thành thực hiện đề án ngoại ngữ. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bắc Ninh cho biết: “Một số người lớn tuổi bị sốc, không đủ kiên trì để đào tạo lại, họ đã chủ động xin nghỉ việc, thậm chí có người bị ốm vì lo lắng quá”. Một GV tại Hà Nội tâm sự dù đã dạy học ngoại ngữ tự chọn hơn chục năm nay, hằng năm được tham gia tập huấn nhiều lần nhưng khi triển khai chương trình ngoại ngữ bắt buộc, để đạt được trình độ B1, cô cần một thời gian học tập thật sự nghiêm túc. GV này cũng chia sẻ: “Lâu nay chúng tôi chỉ quen dạy các kiến thức trong sách, chủ yếu là ngữ pháp nên giờ áp vào chuẩn châu Âu, tôi thật sự hoang mang”.

Nhiều người cho rằng hiện mỗi trường tiểu học chỉ có biên chế 1 GV tiếng Anh nên họ phải dạy trên dưới 20 tiết/tuần cho cả khối 3, 4 và 5. Với giờ lên lớp dày đặc như vậy, chỉ lo sao để giáo án đạt yêu cầu, hấp dẫn học sinh đã là khó chứ đừng nói đến thời gian đi học thêm nâng cao kiến thức. Mà có sắp xếp được thời gian đi học thì với các địa phương nghèo như: Lào Cai, Hà Tĩnh, Hà Nam, Thanh Hóa..., GV cũng rất khó tham gia.

Chủ trương của Bộ là cần tạo điều kiện bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại… đối với người chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tỉnh Hải Dương dự kiến sắp xếp, bố trí công việc khác cho các GV đạt trình độ thấp hơn 3 - 4 bậc so với mức chuẩn hoặc không đạt bậc thấp nhất trong các bậc năng lực ngoại ngữ quy định.

Ông Lương Văn Cầu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho hay đã yêu cầu các đơn vị giáo dục khi tuyển dụng GV ngoại ngữ phải kiểm tra trình độ năng lực, nếu đạt mức chuẩn so với yêu cầu của từng cấp học thì mới tuyển. Còn ông Nguyễn Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An, nêu quan điểm: “Bộ không nên bắt buộc phải sử dụng đội ngũ hiện có trong biên chế bằng mọi giá vì có những người rất yếu, dù có bồi dưỡng cũng khó đạt được yêu cầu”. Vì vậy ông Sơn đề xuất: “Nên cho họ làm công việc khác và tuyển mới những người được đào tạo bài bản ngay từ đầu”. Còn ông Bùi Văn Tâm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cho rằng: “Nhiều người dưới chuẩn đã được bồi dưỡng nhưng không thể đạt trình độ theo yêu cầu, ngành sẽ buộc phải loại”.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Giaovi10
Từ năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM chi hàng trăm tỉ đồng cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng GV tiếng Anh

Đầu tư tiền tỉ để cải thiện

Nhiều tỉnh thành khác như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM... chủ động bỏ kinh phí của địa phương để cử GV tập huấn tại: Philippines, Malaysia, Singapore nhằm nâng chất đội ngũ GV.

TP.Hà Nội xác định đến năm 2020, 100% GV tiếng Anh các cấp được đào tạo lại, bồi dưỡng và có chứng chỉ theo chuẩn quốc tế; 100% GV tiếng Anh nghe, hiểu bài do chuyên gia nước ngoài giảng dạy mà không cần phiên dịch.

Năm học mới này, TP.HCM chính thức thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh. Kinh phí thực hiện đề án này trong năm nay hơn 408 tỉ đồng, trong đó khoảng 336 tỉ đồng dùng để trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị. Kinh phí còn lại sẽ dùng vào việc đào tạo, bồi dưỡng GV. Sau khi đạt chuẩn trình độ, Sở sẽ đề nghị UBND TP cho những GV trên được nhận phụ cấp ưu đãi bằng 70% lương/tháng, tương đương với GV dạy ở trường chuyên. Ông Văn Công Sang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở, cho biết: “Lộ trình từ nay đến năm 2014, Sở sẽ khảo sát và bồi dưỡng, đào lại cho tất cả GV tiếng Anh đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Sở đang tiến hành thủ tục, ký kết hợp đồng với đối tác để xét tuyển, kiểm tra trình độ GV tiếng Anh của Philippines để ngay từ tháng 9, khoảng 100 GV bản ngữ sẽ chính thức giảng dạy tại một số trường”.

Cũng theo kế hoạch này, từ nay trở đi, hằng năm Sở sẽ tổ chức cho 30 - 40 GV đi tu nghiệp tại Philippines từ 1 - 2 tháng để rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp.

Người giỏi không muốn đi dạy

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), cho rằng: “Do thị trường lao động thiếu người giỏi tiếng Anh nên ngành giáo dục đang phải cạnh tranh dữ dội để giữ được đội ngũ GV giỏi, cố gắng hạn chế “chảy máu chất xám” ngay trong nước”.

Với kinh nghiệm 9 năm đào tạo chuyên ngành bằng ngoại ngữ, lãnh đạo Trường ĐH Hà Nội nêu thực tế, việc tuyển dụng GV dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đã khó, nhưng giữ chân họ được càng khó hơn.

Thực tế, có rất nhiều lời mời làm việc với mức lương hàng nghìn USD một tháng thì lương dạy ở trường chỉ được 4 - 5 triệu đồng/tháng khiến cuộc cạnh tranh nhiều khi không cân sức, phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết của những người giỏi.

Do vậy, lãnh đạo các trường kiến nghị cần có chính sách khuyến khích đội ngũ GV bằng việc cấp học bổng du học nâng cao trình độ kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường. Nhưng chính sách bền vững nhất vẫn là tăng thù lao giờ dạy.


Tuệ Nguyễn

Nguồn Báo Thanh niên

3Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Empty Trông chờ vào lực lượng mới Thu Sep 13, 2012 10:06 am

coffee
coffee Thành viên ưu tú
Bài viết : 540
Danh vọng : 34
Tham gia : 04/12/2011
GS-TS Nguyễn Lộc - Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, Phó trưởng ban Chỉ đạo đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, cho biết hướng giải quyết khó khăn về chất lượng giáo viên (GV).

Đặt hàng đào tạo theo yêu cầu

Dư luận lo ngại trước kết quả khảo sát hàng loạt GV tiếng Anh không đáp ứng được yêu cầu chuẩn năng lực về ngoại ngữ theo khung tham chiếu của châu Âu mà đề án đặt ra. Ông nghĩ gì về thực trạng này?

Là những người trong cuộc, chúng tôi không có gì bất ngờ và ngạc nhiên về kết quả này. Khi xây dựng đề án, chúng tôi đã có ước tính nhất định về hiện trạng đúng như vậy chứ không phải có ước tính gì quá ư là lạc quan về GV đâu. Cho nên tỷ lệ như thế đối với đề án dài đến năm 2020 là bình thường.

Ở đây xin nhấn mạnh là việc khảo sát không chỉ nhằm để xem năm nay giảng dạy ở bao nhiêu trường, bao nhiêu học sinh mà mục tiêu chính là để xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng GV cho thời gian trước mắt. Bên cạnh kế hoạch bồi dưỡng hiện có, chúng tôi còn trông chờ vào một lực lượng rất quan trọng là đội ngũ GV được đào tạo mới. Đội ngũ này khi ra trường sẽ được kỳ vọng là đáp ứng được ngay yêu cầu về chuẩn GV tiếng Anh.

Song song với việc thực hiện ở các trường phổ thông, đề án đã đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các trường sư phạm, trường ĐH ngoại ngữ để đào tạo theo yêu cầu. Việc làm này đã thực hiện ngay khi khởi động đề án.

Ngoài ra, đề án còn khuyến khích tuyển những người có trình độ giỏi về ngoại ngữ chuyển sang làm GV sau khi đã được bồi dưỡng, trang bị kiến thức về nghiệp vụ sư phạm.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Giao-v10
Một lớp bồi dưỡng GV tiếng Anh cho các trường tiểu học của TP.HCM do Sở GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức

Không ép chạy theo số lượng

Vậy ông có nhận định gì về mức độ chuyển biến trong việc đổi mới đào tạo GV tiếng Anh ở các trường ĐH, CĐ đã được đề án đặt hàng?

Tôi cho rằng đây là một thách thức rất lớn. Thực ra tôi thấy lo lắng cho các trường sư phạm đào tạo GV, họ chuyển động có vẻ chậm.

Về mặt nguyên tắc, GV được đào tạo bậc ĐH là phải đạt trình độ C1 theo chuẩn châu Âu nhưng trên thực tế khảo sát GV được đào tạo ĐH nhiều người cũng chỉ đạt trình độ B1, thua 2 cấp so với chuẩn. Thực tế ấy đòi hỏi các trường đào tạo phải cách tân rất nhiều, không có cách nào khác.

Năm vừa qua, Bộ GD-ĐT quyết định hạ chuẩn GV tiếng Anh ở bậc tiểu học từ trình độ B2 xuống B1. Điều này có ảnh hưởng gì đến chất lượng không, thưa ông?

Về lý thuyết thì hạ xuống thế không có vấn đề gì. Năm nay vẫn tiếp tục cho phép GV đạt trình độ B1 tiếp tục giảng dạy tiểu học, số này vẫn còn hiếm hoi lắm chứ không phải hạ chuẩn rồi mà đã dễ tuyển đâu.

Xem ra, tiến độ của đề án có vẻ rất chậm, nguyên nhân chính vẫn được coi là thiếu GV đủ điều kiện. Với tư cách là người xây dựng đề án, ông có thấy sốt ruột không?

Đề án tiến hành với tỷ lệ học sinh tham gia tăng dần đều, một nhịp độ phù hợp. Chúng tôi không ép buộc bất cứ cơ sở giáo dục nào thực hiện đề án khi chưa đảm bảo về điều kiện. Nhưng chắc chắn xu thế sẽ ép các địa phương phải thực hiện. Ban đầu chúng tôi chọn những nơi có đủ điều kiện thì dạy, những nơi chưa đủ tích cực cử GV đi bồi dưỡng, bao giờ đạt chuẩn thì mới cho giảng dạy. Giai đoạn đầu, khó khăn là chuyện chúng tôi đã lường trước được. Chúng tôi chấp nhận chậm một chút nhưng làm thực tế.

Đến nay, số địa phương chưa nhập cuộc đề án này còn rất nhiều. Điều này có bất thường không, thưa ông?

Có những tỉnh 5, 6 năm mới nhập cuộc cũng phải coi là chuyện bình thường. Hà Nội có thể sắp cán đích nhưng Hà Giang mới bắt đầu cũng là chuyện bình thường vì dạy tiếng Anh không như dạy văn, toán... tất cả đều phải cào bằng như nhau, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhưng với những mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra, tôi tin rằng sức ép của xu hướng là rất lớn, sẽ lan tỏa dần, Bộ chỉ đưa ra một cái chuẩn, một cái điều kiện rõ như thế, địa phương nào có đủ điều kiện thì thực hiện.

Nhiều tỉnh chưa thể khởi động

Hiện nay mới có 34/63 tỉnh thành có kế hoạch thực hiện đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 -2020 gửi về Bộ GD-ĐT.

Bà Nguyễn Mai Phương, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Cao Bằng, cho biết: “Chưa nói đến chương trình bắt buộc, năm học này toàn tỉnh mới có 31/215 trường có GV để dạy tiếng Anh theo hình thức tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần. Đã vậy chủ yếu GV tiếng Anh chuyển từ tiếng Nga sang hoặc đào tạo không chính quy, tỉnh lại có đông học sinh dân tộc nên chất lượng dạy và học tiếng Anh chưa cao”.

Bà Nguyễn Thanh Lịch, Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho rằng: “GV tiếng Anh chủ yếu có trình độ CĐ hoặc tại chức nên đạt được trình độ IELTS từ 4 đến 5 cũng đã rất khó. Đó là chưa kể đặc thù dạy ngoại ngữ phải đi đôi với thực hành nhưng GV thì lại ít giao tiếp, thực hành nên phát âm sai rất nhiều”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm - chuyên viên phụ trách tiếng Anh của Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, hầu hết GV dạy tiếng Anh tiểu học của tỉnh này cũng là GV tiếng Anh dôi dư của cấp THCS chuyển xuống. Dù có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh, thậm chí nhiều người còn có bằng đại học tại chức, nhưng để đạt yêu cầu của Bộ họ cần được bồi dưỡng thêm.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, không nhất thiết phải thực hiện đúng chỉ tiêu từng năm theo đề án, cố gắng giải quyết các khó khăn vào giai đoạn đầu từ nay đến 2015. Sau đó, khi các điều kiện đã được chuẩn bị đầy đủ thì tăng tốc về chất lượng, phạm vi thực hiện đề án.

T.Nguyễn - L.Giang

Nguồn thanhnien.com.vn
coffee
coffee Thành viên ưu tú
Bài viết : 540
Danh vọng : 34
Tham gia : 04/12/2011
Hầu như phụ huynh nào cũng cho con đến các trung tâm ngoại ngữ dù có học 8 tiết tiếng Anh/tuần trong trường vì lo ngại học sinh không thể giao tiếp được.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Ila10
Ngoài giờ học chính khóa, phụ huynh đều đưa con em đến các trung tâm ngoại ngữ để mong nâng cao khả năng giao tiếp

Chỉ giới thiệu được tên, tuổi

Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thái Bình, TP.HCM, cho biết: “Không tự tin trong giao tiếp, phát âm sai thế nên trong tiết học giáo viên (GV) chủ yếu sử dụng kỹ năng đọc rồi kéo theo học sinh (HS) cũng phát âm sai, chẳng nghe, chẳng nói được gì ngoài vài câu đơn giản giới thiệu tên, tuổi…”.

Một nghiên cứu của Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM về thực trạng giao tiếp qua dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông tại TP.HCM trong năm 2007 cho thấy sau khi hoàn thành bậc THCS, HS không thể kể lại được một câu chuyện khoảng 100 từ như yêu cầu của chương trình. Còn ở bậc THPT thì có tới 78% HS yếu 2 kỹ năng nghe nói.

Mới đây, Hội đồng Anh tiến hành một cuộc khảo sát về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của HS 20 nước trong khu vực châu Á. Kết quả cho thấy HS Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng đọc và viết, nhưng lại xếp thứ 18/20 về khả năng nghe nói.

Nhiều GV, cán bộ quản lý làm việc lâu năm trong lĩnh vực giáo dục đều cho rằng nguyên nhân ở chương trình, GV, điều kiện dạy và học… Một chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhìn nhận: “Vài năm trở lại đây, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh dù đã được điều chỉnh, biên soạn theo hướng thúc đẩy HS phát triển đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng chưa thực sự hiện đại, mức độ cập nhật chưa cao. Mỗi đơn vị bài học chưa cho phép HS thực hành giao tiếp, tái sử dụng nhằm khắc sâu và tạo phản xạ tự nhiên…”. Bà Lê Thúy Hòa còn cho rằng: “Nội dung đề thi tập trung kiến thức ngữ pháp và dịch là chủ yếu vì vậy HS chả thể tiến bộ”.

70 - 80% học sinh học ở trung tâm ngoại ngữ

Đại diện của một trường dạy ngoại ngữ thiếu nhi cho biết: “Thực tế nhiều năm trở lại đây, số lượng học sinh tiểu học tham gia các khóa học của trường khá đông, chiếm khoảng 80% trong tổng số học viên”. Còn một trường Anh ngữ chuyên về luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì số lượng học sinh THPT đăng ký tham gia chiếm ưu thế, tương đương khoảng 70% trong tổng số học viên của trường.


B.Thanh

Không yên tâm với chương trình ở trường

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, phụ huynh nhiều trường tiểu học tại TP.HCM vẫn không an tâm với chương trình tiếng Anh trong trường.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh Trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1, cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 1 chương trình tiếng Anh tăng cường của trường. Nhưng thật tình mà nói, tôi không thật sự an tâm về chất lượng giảng dạy, nhất là về GV và môi trường học. Còn nếu làm phép so sánh thì cá nhân tôi nhận thấy trung tâm ngoại ngữ bên ngoài vẫn dạy tốt hơn vì họ dạy chuyên, chú trọng nhiều kỹ năng nghe nói. Vào tối các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, tôi đều cho con học thêm Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ. Cháu rất thích thú và luôn muốn đi học ở trung tâm. Về phần tôi thì cũng yên tâm hơn về việc học tiếng Anh của con”.

Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn mong muốn cho con vào các lớp tăng cường tiếng Anh (8 tiết/tuần) với lý do con em họ được học tiếng Anh nhiều hơn. Song phần đông phụ huynh vẫn cho con đi học ở trung tâm vì không tin nếu chỉ học ở trường, con họ có thể giao tiếp được.

Anh Nguyễn Tùng Nam, phụ huynh HS Trường tiểu học Tân Trụ, Q.Tân Bình, tâm sự: “Con tôi năm nay học lớp 4 nhưng thực tình mà nói, ở trường học một lớp hơn 40 HS vậy thì làm sao có thể học tốt được. Ngay cả việc phát âm có sai chăng nữa thì GV cũng không tài nào phát hiện và sửa được. Một năm nay, tôi cho con học Anh văn ở trung tâm, cháu hoàn toàn tự tin trong giao tiếp, có kỹ năng hơn vì cháu được học và trò chuyện nhiều với GV”.

Khi được hỏi, ngành giáo dục cần làm gì để phụ huynh yên tâm cho con em học tiếng Anh tại trường mà không cần phải học thêm bên ngoài, phần đông phụ huynh đều khẳng định phải giảm sĩ số lớp, GV đạt chuẩn và phải có kỹ năng nghe nói tốt.

Tiến hành khảo sát cả GV và học sinh lớp 6

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, năm học này, Bộ bắt đầu thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với lớp 6. Bộ sẽ tiến hành khảo sát cả GV lẫn học sinh. Về tài liệu học tập, các trường có thể dùng sách giáo khoa của Bộ nhưng có thể dùng sách khác với điều kiện bộ sách đó đã được Bộ thẩm định và cho phép sử dụng.


Tuệ Nguyễn

Nguồn thanhnien.com.vn
coffee
coffee Thành viên ưu tú
Bài viết : 540
Danh vọng : 34
Tham gia : 04/12/2011
Xác định đội ngũ giáo viên (GV) là khâu then chốt quyết định chất lượng dạy và học tiếng Anh, cả Bộ GD-ĐT và các trường ĐH sư phạm có những kế hoạch thay đổi phương pháp đào tạo.

Chưa dạy ngoại ngữ như kỹ năng

Bộ GD-ĐT đánh giá chất lượng GV tiếng Anh chưa đạt yêu cầu là do thực tế dạy và học trong các trường ĐH thời gian trước chưa hiệu quả. Thời lượng khung dạy ngoại ngữ chưa nhiều, dạy như một môn kiến thức chứ không phải môn học kỹ năng… Quá trình dạy và học chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi, tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch.

Một số trường sư phạm chưa bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh, số trường sư phạm công khai chuẩn đầu ra theo quy định của Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân còn ít và chưa có biện pháp để thẩm định chất lượng đầu ra đã công bố của các trường này.

Một lãnh đạo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thừa nhận: “Khi so sánh trình độ với chuẩn châu Âu, dĩ nhiên GV ít người đáp ứng được yêu cầu. Bởi lâu nay chúng ta đào tạo GV theo chuẩn Việt Nam, thấp hơn nhiều so với chuẩn nhiều nước. Không giống như các môn học khác, ngoại ngữ không phải vấn đề tư duy mà là kỹ năng. Người học ngoại ngữ phải có tình huống để thực hành. Ngày nào còn đào tạo theo phương thức cổ điển thì đương nhiên việc giao tiếp của sinh viên sẽ rất yếu”.

Phải đột phá từ các trường sư phạm

Để chuẩn bị nguồn GV cho việc thực hiện đề án, Bộ giao 18 trường ĐH trên cả nước có nhiệm vụ rà soát, đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông. Nguyên tắc mà đề án đặt ra là GV phải có trình độ cao hơn đào tạo 2 bậc.

Tiến sĩ Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, hồ hởi cho biết: “Cuối năm học 2012 - 2013, trường sẽ cho ra lứa GV tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn đầu tiên trên toàn quốc. Những GV này đạt chuẩn B2 theo khung tiêu chuẩn châu Âu, được tiếp nhận phương pháp giảng dạy theo công nghệ cao, sử dụng thành thạo phòng lab, các công nghệ hiện đại để đào tạo tiếng Anh cho học sinh”. Ông Hòa tự tin chia sẻ: “Về việc đào tạo, tôi cam đoan 26 em sau khi tốt nghiệp sẽ là những “sản phẩm” vô cùng hoàn chỉnh". Tuy nhiên, ông Hòa cũng lo lắng: “Nếu 26 em này có được việc làm tốt, thì những khóa sau chúng tôi sẽ tuyển sinh hết sức dễ dàng và lực lượng GV tiếng Anh cho tương lai không sợ thiếu. Còn ngược lại thì sẽ rất khó để phát triển thêm”.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có kế hoạch đào tạo mới. Một hiệu phó của trường cho biết: “Khi các trường phổ thông đòi hỏi GV tiếng Anh đáp ứng chuẩn châu Âu, chúng tôi cũng phải thay đổi theo hướng này. Phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, người học… Học bổng dành cho khoa tiếng Anh đi học nâng cao trình độ tại nước ngoài thuộc dạng nhiều nhất trường và sắp tới cũng sẽ được tăng cường hơn nữa”.

Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch Giaovi10
Sinh viên khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Bà Lê Hương, Cục Đào tạo và hợp tác với nước ngoài Bộ GD-ĐT, cho biết từ 2012 - 2015 Cục sẽ tổ chức bồi dưỡng cho 60% GV ngoại ngữ ở các trường ĐH học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. 40% GV còn lại bồi dưỡng vào giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, để sự thay đổi đồng bộ, đạt hiệu quả, lãnh đạo các trường cho rằng cần phải có những quy định chuẩn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng bộ môn Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Đào tạo GV tiếng Anh cấp tiểu học là một việc làm hầu như chưa từng có nên khó khăn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Do vậy, đề nghị Bộ cần sớm ban hành khung chuyên ngành đào tạo để các trường có cơ sở pháp lý xây dựng chương trình của trường mình”. PGS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trang bị cơ sở vật chất để có môi trường nói tiếng Anh 100% giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo thu nhập cho GV để không chảy máu chất xám.

Dù có kế hoạch riêng nhưng mục tiêu cuối cùng là làm thế nào “sản phẩm” của các trường sư phạm phải đạt chuẩn theo yêu cầu của thực tế. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trong thời gian tới, đương nhiên GV tốt nghiệp CĐ, ĐH chuyên ngành ngoại ngữ ở các trường sư phạm phải đạt trình độ B2 trở lên mà không phải bồi dưỡng thêm hoặc đào tạo lại như hiện nay”.

Cần thêm 24.000 GV tiếng Anh tiểu học

Với riêng bậc tiểu học, theo tính toán của ngành giáo dục, để thực hiện đề án, từ nay đến hết năm 2020 cả nước cần thêm 24.000 GV tiếng Anh. Theo quy định, GV tiếng Anh tiểu học hiện nay có trình độ tối thiểu là B1, THCS là B2 và THPT là C1.

Theo dự thảo về Chuẩn năng lực GV tiếng Anh phổ thông, có 6 yêu cầu đặt ra với kiến thức và 5 yêu cầu về kỹ năng. Chẳng hạn, GV phải có khả năng nghe tiếng Anh để nắm bắt ngôn ngữ, hiểu ý chính của văn bản phức tạp có chủ đề cụ thể hoặc trừu tượng, diễn giải ý, trả lời thích hợp trong các tình huống giao tiếp; giao tiếp tiếng Anh với các mục đích học thuật với mức độ khá lưu loát và tự nhiên; sử dụng tiếng Anh thích hợp với từng bối cảnh xã hội và văn hóa...


T.N

Nguồn thanhnien.com.vn

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

  • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất